Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

PGS Bùi Hiền: “Gạch đá” là động lực để tôi tiếp tục cải tiến tiếng Việt

PGS Bùi Hiền ngày 26-12 cho hay những chỉ trích nặng nề là động lực để ông tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu khoa học về cải tiến chữ viết tiếng Việt của mình.
Chiều nay 26-12, PGS Bùi Hiền đã có cuộc trao đổi với Báo Người Lao Động sau khi cho biết sẽ công bố phần 2 cải tiến chữ viết tiếng Việt dù gặp phải những dư luận rất trái chiều nhau, trong đó ông đã phải nhận không ít “gạch đá” chỉ trích.
– Phóng viên: Tiếp tục ra mắt phần hai chứng tỏ ông không nề bị nao núng hay ảnh hưởng từ những chỉ trích nặng nề của dư luận?
+ PGS Bùi Hiền: Không những không bị ảnh hưởng mà đó còn là động lực để tôi hoàn thành phần 2 của việc cải tiến này. Tôi không thể để yên việc mọi người cứ nhằm vào những cải tiến chưa hoàn thiện của mình để đưa ra những bình luận ác ý. Tôi thấy mình cần thiết đưa cải tiến hoàn chỉnh để mọi người có cái nhìn chính xác hơn và phần 2 của cải tiến tiếng Việt đã ra đời trước kế hoạch của tôi là 3 tháng.

– Xin hỏi thực lòng một lần nữa, ông hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì từ “gạch đá” của dư luận?
+ Tôi không có thời gian để đọc những bình luận ấy. Tôi dành thời gian để làm việc chứ không phải để đối phó những chỉ trích nhằm vào mình.
– Chính phủ cho hay chưa đề cập đến cải tiến chữ viết thời điểm này, dù vậy ông vẫn luôn hi vọng công trình của mình được cơ quan chức năng ghi nhận…?
+ Tôi làm để phục vụ nhân dân, và tất nhiên là tôi muốn được ghi nhận. Ai thấy nó có lợi thì áp dụng thôi chứ tôi không đặt vấn đề to tát nào.
– Những thay đổi mới nhất trong phần 2 của công trình cải tiến tiếng Việt là gì, thưa ông?
+ Phần thứ nhất đã công bố mới chỉ đề cập cải tiến hệ thống phụ âm theo đúng nguyên tắc “mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt”. Ở phần thứ 2, tôi hoàn thiện nghiên cứu về nguyên âm của Tiếng Việt. Có 2 vấn đề then chốt cần giải quyết dứt điểm là số lượng âm vị nguyên âm thực sự hiện có trong tiếng Việt và các chữ cái biểu đạt tương ứng và nguyên tắc tổ hợp các nguyên âm trong các âm tiết tiếng Việt.
Hiện tại, trong hệ thống nguyên âm tiếng Việt đã ghi nhận và thường xuyên dùng theo các quy chuẩn chính tả bao gồm 16 nguyên âm thể hiện bằng những chữ cái trong các vị trí điển hình độc lập hoặc đứng trong tổ hợp âm tiết có phụ âm đi cùng. Sau khi xác định xong 2 hệ thống âm vị nguyên âm và phụ âm mới, cần ghép chúng lại thành bảng âm vị cùng chữ cái biểu đạt thống nhất và hoàn chỉnh của tiếng Hà Nội
Nói thêm là trong hệ thống nguyên âm tiếng Hà Nội, ngoài các nguyên đơn ra còn rất nhiều nguyên âm đôi và nguyên âm ba. Bởi vậy, các cặp đôi nguyên âm đối lập “ngắn – dài” còn thiếu những kí tự cho riêng mình (chẳng hạn như: uu – u; ưư – ư) trong bảng chữ cái quốc ngữ hiện hành đã không hề làm mất tính khu biệt ý nghĩa của những âm vị nguyên âm đó. Thậm chí khi âm vị “ă” ở vào một vị trí phát âm không thể khác được thì cũng không nhất thiết phải viết đúng chữ cái “ă” nữa, mà có thể bỏ dấu “á” đi: ắy nắy – áy náy; con quăy – con quay, ….
Dựa vào đặc điểm của tính chất đó mà xem xét thì ngoài 3 cặp đối lập : a – ă, ơ – â, y – i đã có và thường hay gặp nhất trong tiếng Hà Nội, tôi thấy không cần thiết phải có thêm các kí tự chỉ các nguyên âm đối lập còn thiếu vào bảng chữ quốc ngữ hiện hành (kiểu ee, êê, oo, ôô, uu, ưư).
– Sau khi công bố phần 2, ông đã nhận được phản hồi nào từ phía các đồng nghiệp, bạn bè?
+ Đề xuất phần 1 mới chỉ đề cập nửa chừng, chưa phải là bản hoàn thiện, vì thế với đề xuất hoàn chỉnh, ai quan tâm có thể tiếp cận, tìm hiểu một cách đầy đủ.
Thực ra khi đề xuất phần 1 của tôi được báo chí thông tin, trong giới khoa học gần như không phát biểu vì nhiều người thấy tôi chưa hoàn thành đề án cải tiến. Những người lên tiếng khi đề án chưa hoàn chỉnh là sai. Hiện tôi vẫn đang chờ sự phản hồi từ phía dư luận.

Tôi muốn nói thêm một chút về đề xuất của mình. Tôi cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Phó Thủ tướng nêu quan điểm nhà nước chưa có chủ trương cải tiến tiếng Việt trước đề xuất của tôi cũng là hợp lý. Nếu thấy cần thiết, người ta sẽ có tìm hiểu, nghiên cứu cụ thể, từ đó đưa ra những tranh luận, thậm chí là phản bác. Tôi hiểu rất rõ từ đề xuất đến thực tế không phải là dễ dàng và phụ thuộc vào nhiều vấn đề chứ đâu phải muốn là áp dụng được ngay.
Nhiều người không hiểu đó là đề xuất của cá nhân tôi. Họ lên tiếng như là nhà nước có chủ trương thay đổi tiếng Việt và có những lời lẽ rất khó nghe. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học trò lo lắng cho tôi, họ nhắn gọi điện hỏi thăm. Tuy nhiên tôi không sao cả. Tôi vẫn mạnh khỏe và sống vui vẻ để tiếp tục công việc của mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét